Cảnh báo các bệnh về lưỡi mà bạn thường gặp

Cảnh báo các bệnh về lưỡi mà bạn thường gặp

Lưỡi được đánh giá là cơ bắp “chắc khỏe” nhất ở trên cơ thể, lưỡi là cơ quan được cấu tạo từ những nhóm cơ chịu trách nhiệm giúp chúng ta nhận biết mùi vị của thức ăn, nhai nuốt và trò chuyện. Và nếu như lưỡi của bạn có màu hồng và có nhiều nhú lưỡi xung quanh, điều này cho thấy rằng lưỡi của bạn vẫn đang khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu lưỡi bạn bị đổi màu hoặc đau nhói, sưng tấy bất thường thì bạn cần phải làm gì? Bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các bệnh thường gặp về lưỡi, ai cũng cần phải biết qua bài viết sau đây nhé.

Viêm lưỡi

Là chỉ tình trạng lưỡi đỏ, nhẵn và đau. Tuy nhiên, không phải lúc nào ba dấu hiệu này cũng xuất hiện cùng lúc. Viêm lưỡi có thể do tình trạng tại chỗ của lưỡi như nhiễm nấm (viêm lưỡi giữa hình thoi, nhiễm nấm Candida dạng teo) hoặc một số tình trạng toàn thân, như thiếu máu, thiếu vitamin nhóm B (đặc biệt là B12). Viêm lưỡi tuy không nguy hiểm và thường tự khỏi nhưng cũng gây những khó chịu cho người mắc phải. Có thể điều trị triệu chứng bằng cách súc miệng đều và vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

Viêm lưỡi

Viêm lưỡi do thiếu máu thiếu sắt và thiếu máu ác tính

Thiếu máu, thiếu sắt là nguyên nhân chính của viêm lưỡi. Lưỡi thường teo, nhẵn, đỏ, thường xảy ra ở nữ. Thiếu máu, thiếu sắt là phổ biến với biểu hiện sớm là teo gai chỉ và gai nấm. Teo lưỡi có thể bắt đầu ở đầu lưỡi và bờ lưỡi, sau lan rộng toàn bộ bề mặt lưỡi. Ngoài ra, bệnh nhân có thêm triệu chứng da khô, tóc xơ xác, chẻ ngọn, dễ gãy; móng tay chân lõm, có sọc. Xét nghiệm máu cũng cho thấy rõ tình trạng thiếu máu, thiếu sắt.

Viêm lưỡi di trú

Đây là bệnh thường gặp do bề mặt lưỡi tự thay da, lớp trên cùng của phần da lưỡi không thường xuyên được thay thế hay da lưỡi bị bong tróc quá sớm để lại khu vực đỏ trông như vết xước trên da dẫn đến đau lưỡi. Các nguyên nhân khác có thể do tiền sử gia đình hoặc lưỡi bị nứt nẻ. Người bị bệnh viêm lưỡi di trú sẽ xuất hiện những vùng hơi đỏ dạng teo có viền bao bọc màu vàng nhẹ, thường nằm trên mặt lưng của lưỡi nhưng cũng có thể xuất hiện ở mặt trước bụng lưỡi hay sàn miệng.

Lưỡi trắng

Lưỡi trắng là tình trạng lưỡi không hồng tươi mà có màu trắng toàn bề mặt lưỡi do viêm nhiễm. Lưỡi trắng chủ yếu do thói quen vệ sinh răng miệng chưa tốt, mắc chứng hôi miệng, khô miệng, hay hút thuốc lá và uống rượu bia. Khắc phục tình trạng trắng lưỡi rất đơn giản, chỉ cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, cạo lưỡi đều đặn, uống nhiều nước lọc và các loại nước hoa quả giúp sạch miệng.

lưỡi trắng

Viêm lưỡi giữa hình thoi

Đây là dạng đặc biệt của nhiễm nấm Candida, đặc trưng bởi mảng teo đỏ ngay đường giữa lưỡi; ở chỗ nối hai phần ba trước và một phần ba sau lưỡi. Viêm lưỡi giữa hình thoi gặp ở người lớn và thường không có triệu chứng, số ít cảm thấy đau hoặc loét lưỡi. Viêm lưỡi giữa hình thoi biểu hiện là vùng có nhú đỏ hoặc hồng, có khi trắng. Các tổn thương thường phẳng và hơi lõm. Trong một số trường hợp có nốt sần và tăng sản biểu mô. Bệnh có thể điều trị với thuốc kháng nấm tại chỗ.

Lưỡi bản đồ

Đặc trưng bởi sự mất biểu mô là gai chỉ, một số trường hợp bệnh chưa rõ nguyên nhân. Biểu hiện là các vùng máu đỏ không đều được bao quanh bởi các dải gai chỉ màu trắng hơi nhô. Màu đỏ thể hiện sự teo các gai chỉ. Đa số bệnh nhân không triệu chứng. Tuy nhiên một số trường hợp có cảm giác đau, nóng rát; nhạy cảm với thức ăn, giảm vị giác tại vùng teo gai chỉ. Với bệnh này bệnh nhân nên tránh những thức ăn cay, nóng và đồ uống có cồn.

Các tổn thương ở lưỡi rất đa dạng, có thể ảnh hưởng đến chức năng và chất lượng cuộc sống. Do đó, bác sĩ khuyên mọi người vệ sinh răng miệng và bề mặt lưỡi thật kỹ hàng ngày; để phát hiện sớm các bất thường của lưỡi. Nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc nghi ngờ về bất cứ triệu chứng bất thường nào xuất hiện ở lưỡi; tốt nhất là bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất để điều trị kịp thời nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *